Bài viết này mình sẽ tổng hợp lại tất các các kinh nghiệm chọn mua giày chạy bộ đã chia sẻ trong các bài viết khác. Đồng thời sẽ có cập nhật thêm các mẹo chọn giày khác hữu ích cho các bạn mới làm quen với chạy bộ mới lần đầu đi mua giày.
Nội dung chính:
- 1 1. Đừng mua giày dựa vào đánh giá của người khác
- 2 2. Mua giày cho bạn chứ không phải cho đồng bọn
- 3 3. Thử giày thật kỹ trước khi mua
- 4 4. Mua giày vào buổi chiều tối
- 5 5. Kiểm tra chất lượng giày
- 6 6. Mua giày ở các cửa hàng giày chuyên dành cho chạy bộ
- 7 7. Đừng tiếc tiền
- 8 8. Hạn chế mua giày qua mạng
1. Đừng mua giày dựa vào đánh giá của người khác
Đừng mua giày dựa trên đánh giá trên mạng, ví dụ như các đánh giá giày chạy bộ của mình trên blog này. Các bài viết đánh giá trên mạng dựa vào cảm nhận cá nhân của người mang. Tất cả chỉ mang yếu tố tham khảo và định hướng.
Giày được mình khen tới tấp (Nike Flyknit Lunar 3) chưa chắc là đôi giày tốt nhất. Ngược lại, đôi giày nào bị chê tơi tả (Nike LunarGlide 6) có thể lại là đôi giày phù hợp nhất với bạn.
Bạn cần phải tận tay thử giày nếu không muốn rơi vào tình cảnh như mình với đôi Nike LunarGlide 6 – Chia tay sau một lần chạy hay đôi Nike Free Flyknit.
2. Mua giày cho bạn chứ không phải cho đồng bọn
Đừng mua giày theo hiệu ứng đám đông: thấy nhiều người mua thì mua theo. Cũng đừng mua giày theo lời khuyên của đồng bọn. Giày bạn mua để bạn mang chứ không phải cho đồng bọn.
Bàn chân của mỗi người đều khác nhau. Giày dùng tốt với 99 người khác chưa chắc đã phù hợp với chân của bạn. Ngược lại, đôi giày mà chiến hữu chê lên chê xuống biết đâu lại là đôi giày tốt nhất với bạn. Hãy thử mới tin!
3. Thử giày thật kỹ trước khi mua
Một trong những câu mình thường xuyên nhắc đi nhắc lại trên blog về việc mua giày chạy bộ là Luôn thử giày thật kỹ trước khi mua. Đừng bao giờ quên kinh nghiệm này nha các bạn.
Khi mua giày, đừng mang vào rồi tháo ra ngay. Hãy đi bộ qua lại, chạy nhảy càng lâu càng tốt để bảo đảm chân cảm thấy thoải mái với đôi giày mới. Nếu cửa hàng có máy chạy bộ thì càng nên lên chạy thử để chắc ăn hơn. Đôi khi, vấn đề chỉ lòi ra sau khi bạn chạy thử với giày. Nếu không kiểm tra kỹ, mang về nhà dùng mới phát hiện ra thì lại ôm hận.
Hãy dành ít nhất 1-2 tiếng khi đi mua giày để lựa chọn ra đôi phù hợp nhất với mình. Đừng nóng vội, đừng thấy giày đẹp mà mờ mắt nhé. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn! Còn ai muốn vừa tốt gỗ vừa tốt sơn giống mình thì càng phải lựa kỹ.
- Xem thêm: Những câu chuyện buồn về cái lưỡi gà
4. Mua giày vào buổi chiều tối
Kinh nghiệm này mình tham khảo được khi lang thang các trang blog về chạy bộ của nước ngoài: nên mua giày vào buổi chiều tối vì đó là lúc bàn chân bạn giãn nỡ dài nhất trong ngày.
Thật sự mình chưa bao giờ kiểm chứng nó có đúng không, vì mình cũng toàn đi mua giày vào buổi tối. Ban ngày đâu có rãnh rỗi mà đi mua. Dù sao cũng là một mẹo hay các bạn có thể tham khảo khi đi mua giày.
5. Kiểm tra chất lượng giày
Đừng háo hức với đôi giày mới quá mà quên kiểm tra giày trước khi trả tiền nha. Mặc dù biết hàng chính hãng bao giờ cũng trải qua các khâu kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt trước khi bán ra thị trường nhưng chắc chắc không thể tránh khỏi sai sót. Giày chạy bộ được được gia công bằng tay nên rất khó tránh khỏi các lỗi về ngoại hình như dán lem keo, may không đều,…
Chẳng ai muốn bỏ tiền mua về các đôi giày không đẹp như thế. Vì thế, nhớ kiểm tra ngoại hình giày thật kỹ để không mua nhầm các đôi bị lỗi hoặc có các sai sót về thẩm mỹ. Mình sẽ có bài viết chia sẻ kinh nghiệm kiểm tra chất lượng giày trong bài viết sau.
6. Mua giày ở các cửa hàng giày chuyên dành cho chạy bộ
Các cửa hàng giày chạy bộ chuyên biệt chỉ tập trung vào các sản phẩm cho chạy bộ, sẽ có các nhân viên am hiểu về chạy bộ và các thương hiệu giày chạy bộ khác nhau để tư vấn giúp bạn chọn ra đôi giày phù hợp. Còn vô các cửa hàng giày bình thường ví dụ như các cửa hàng giày Nike, Adidas ở TP.HCM, các bạn sẽ được tư vấn kiểu: “Giày này mới ra nè anh, giày này êm lắm, giày này nhẹ lắm…”
Tiếc là kinh nghiệm này có lẽ chỉ áp dụng cho các bạn đang ở nước ngoài vì ở Việt Nam dường như không hề tồn tại khái niệm cửa hàng chuyên bán giày chạy bộ. Chỉ có BH Sports bán phụ kiện chạy bộ . Mình mà có đủ khả năng thì chắc chắn sẽ đầu tư ngay một cái như thế để kiếm cơm thêm
7. Đừng tiếc tiền
Dẫu biết giày hiệu giá rất cao, 2-3 triệu, thậm chí có các đôi lên đến 4-5 triệu, nhưng nếu bạn đã quyết định đầu tư một đôi giày chạy bộ chất lượng để phục vụ nhu cầu tập luyện thì đừng nên tiếc tiền lựa chọn ra đôi giày tốt nhất cho mình. Giày chạy bộ có thể phục vụ bạn 400-600km hoặc hơn, tương đương với gần 1 năm nếu 1 tuần bạn chạy ~10km. Lợi ích bạn có được sau 1 năm chạy bộ sẽ có giá trị hơn nhiều so với số tiền bạn bỏ ra mua giày. Đầu tư cho sức khỏe không bao giờ sai lầm!
Cảnh báo: Đừng tiếc tiền mua giày xịn, giày được phân phối ở cửa hàng chính hãng. Ai ham rẻ đi mua giày “Việt Nam xuất khẩu” dính phải hàng giả, hàng dỏm thì ráng chịu nhé. Tiền nào của đó!
- Xem thêm: Mua giày chạy bộ: Coi chừng hảng giả, hàng dỏm
8. Hạn chế mua giày qua mạng
Thời buổi CNTT bây giờ ai cũng muốn ngồi nhà click chuột và mua hàng online, vừa tiện lợi vừa tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, mua giày lại là vấn đề khác. Mua giày mà không mang thử chẳng khác nào đi cưới vợ mà chưa bao giờ gặp mặt, trúng con nào ở dơ lười biếng thì chỉ có cách ly dị ngay.
Mặc dù luôn có rủi ro đi kèm nhưng không thể phủ nhận những tiện ích của việc mua giày chạy bộ qua mạng: nhiều lựa chọn, không phải mất thời gian ra cửa hàng. Vì thế, vẫn có rất nhiều dân chạy thích order giày online hơn là đi thử. Nếu bạn muốn mua giày online, hãy chọn các cửa hàng uy tín có chính sách đổi trả linh hoạt để nếu mang không vừa hoặc không hợp có thể đổi trả ngay.