Những năm gần đây, Cao Bằng nổi lên như một điểm du lịch mới với nhiều điều hấp dẫn. Đặc biệt, kể từ khi Độ Mixi trở nên nổi tiếng, khách du lịch tới đây hầu hết là các bạn trẻ muốn tìm hiểu quê hương của Tộc trưởng, đồng thời tận hưởng không khí hòa mình với đất trời và thiên nhiên.
Cao Bằng không chỉ có những con người thân thiện mến khách mà còn được biết đến là nơi có núi sông hùng vĩ, thiên nhiên hoang sơ, bao la với thác Bản Giốc đẹp nhất Việt Nam, động Ngườm Ngao thế giới của nhũ đá thiên nhiên.
Đến với Cao Bằng bạn có thể có nhiều lựa chọn để tham quan du lịch, tuy nhiên trong bài viết này xin được giới thiệu đến top các địa điểm du lịch dã ngoại tuyệt vời tại Cao Bằng chắc chắn sẽ khiến bạn mê mẩn không rời
Nội dung chính:
1. Thác Tiên ở Đại Tiến Hòa An
Khu thác Tiên với vẻ đẹp hoang sơ, yên bình, đây là nơi thích hợp để đi picnic vào những ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần
Nếu các địa danh, thắng cảnh du lịch quá quen thuộc với du khách, như: thác Bản Giốc, hồ Thang Hen, hang Pác Bó… thì thác Tiên thuộc xã Đại Tiến (Hòa An) là một điểm vui chơi mới mẻ, còn nguyên vẻ hoang sơ, non nước hữu tình mang nét đặc trưng của du lịch trải nghiệm, hiện nay đã thu hút khá đông khách đến nghỉ ngơi, thư giãn.
Nằm cách thị trấn Nước Hai gần 6km, khu thác Tiên với vẻ đẹp hoang sơ, yên bình, đây là nơi thích hợp để các bạn trẻ lập nhóm, các gia đình cùng bạn bè lên kế hoạch cho chuyến picnic vào những ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần. Đến đây du khách sẽ thích thú khi được trải nghiệm ngắm cảnh, tắm suối.Ven suối là bãi đất bằng phẳng diện tích hơn 1.000 m2, địa điểm này có sông nước, núi non, cây cối xanh mát quanh năm, không khí mát mẻ, trong lành. Đặc biệt, tạo hóa hình thành dòng thác chảy tự nhiên, hiền hòa với dòng nước trong xanh.
Thác Tiên Đại Tiến vừa thuận lợi giao thông, vừa mang tính chất dã ngoại, ngắm cảnh thiên nhiên, là một trong những điểm du lịch sinh thái có triển vọng. Nếu được quản lý khai thác và đầu tư đúng hướng, chắc chắn sẽ ngày càng thu hút khách du lịch thập phương đến vui chơi, nghỉ mát.
Địa điểm này chưa thực sự phát triển cho nên nếu muốn cắm trại ở đây, bạn cần mang theo đầy đủ các dụng cụ cắm trại dã ngoại để chuyến đi thật thư giãn nhé.
Tham khảo thêm: 12 dụng cụ cần có khi đi cắm trại
2. Hồ Bản Viết ở Trùng Khánh
Hồ Bản Viết tựa như chốn bồng lai tiên cảnh với nét hấp dẫn riêng biệt, thích hợp cho các bạn tổ chức một chuyến cắm trại dã ngoại
Ẩn mình giữa rừng núi của miền biên viễn Trùng Khánh, hồ Bản Viết tựa như chốn bồng lai tiên cảnh với nét hấp dẫn riêng biệt. Hồ Bản Viết là lựa chọn thú vị dành cho du khách say mê khám phá, yêu vẻ đẹp thiên nhiên yên bình, thơ mộng.
Hồ Bản Viết nằm trong khu vực 2 xóm Bản Viết, Tân Phong, xã Phong Châu. Đây là hồ nước nhân tạo rộng 5 ha, chia làm 4 nhánh và được bao bọc bởi những ngọn núi trùng điệp, thảm thực vật phong phú, đa dạng; thấp thoáng những xóm nhỏ của người Tày, Nùng còn lưu giữ nhiều nét độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Bắt đầu được cải tạo từ năm 1967, hồ Bản Viết cung cấp nước phục vụ nhu cầu tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp của nhân dân địa phương.
Trên hành trình du lịch khám phá non nước Cao Bằng, du khách xuất phát từ thành phố Cao Bằng, qua thị trấn Trùng Khánh khoảng 8km, rẽ phải theo con đường nông thôn mới đi thêm 3km nữa sẽ đến khu vực hồ Bản Viết. Nằm cách Khu du lịch thác Bản Giốc – động Ngườm Ngao không xa, đây là một địa chỉ rất đáng để trải nghiệm.
Sau khi trải nghiệm trên những cung đường quanh co, uốn lượn đặc trưng của miền núi cao Đông Bắc, đến với hồ Bản Viết, du khách có thể đứng từ trên cao chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, hoặc ngồi thuyền lướt ngang mặt hồ êm ả, hòa mình vào sắc nước trong xanh màu ngọc bích, cảm nhận sự thư thái giữa không gian yên bình.
Mọi thời điểm trong ngày hồ Bản Viết đều đẹp, nhưng đẹp nhất có lẽ là vào thời khắc sáng sớm, khi làn sương mờ giăng phủ trắng xóa trên mặt hồ, lúc bình minh những tia nắng đầu tiên soi chiếu xuống mặt nước tạo ra khung cảnh huyền ảo, hoặc khi chiều tàn, hoàng hôn buông xuống, chỉ còn vệt nắng cuối cùng vương vấn trên mặt hồ lung linh. Nếu muốn ghé thăm hồ Bản Viết, thì mùa đông có lẽ là thời điểm lý tưởng nhất.
Sắc nước trong xanh màu ngọc bích, không gian yên bình của Hồ Bản Viết
Như đã thành quy luật tự nhiên, mỗi năm cứ đến cuối tháng 12, rừng cây xanh bạt ngàn xung quanh hồ khoác lên mình màu áo mới, rợp sắc lá đỏ vàng. Khung cảnh nơi đây đẹp như tranh vẽ, không kém mùa đông châu Âu là bao.
Không chỉ được ngắm nhìn vẻ hoang sơ, thơ mộng của hồ Bản Viết, mỗi du khách có thể đi bộ trên những thảm lá của rừng cây, len lỏi qua những con đường dẫn tới xóm nhỏ ven hồ, lắng nghe âm thanh khe khẽ của núi rừng, của tiếng chim hót líu lo, tận hưởng bầu không khí trong lành, tự nhiên.
Thăm thú những ngôi nhà sàn cổ xây bằng đá của người Tày vẫn giữ được vẻ cổ kính, nguyên sơ cùng kiến trúc rất độc đáo; tìm hiểu văn hóa bản địa; khám phá cuộc sống bình dị của những con người mộc mạc, giàu lòng mến khách; nếm thử hương vị dẻo thơm của xôi ngũ sắc, vị cay nồng của rượu men lá, vị ngọt bùi của hạt dẻ Trùng Khánh…
Hồ Bản Viết có rất nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch, đặc biệt là 3 loại hình: du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm – treking, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt cùng trình độ nhận thức về du lịch của bà con còn tương đối hạn chế, mặc dù giao thông đi lại thuận tiện song lại thiếu sót về cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu của du khách.
3. Núi Mắt Thần (còn được gọi là Núi Thủng)
Núi Mắt Thần còn được gọi là Phja Piót, theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa núi Thủng, còn dân thích vi vu thì gọi đây là “tuyệt tình cốc”
Núi Mắt Thần còn được gọi là Phja Piót, theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa núi Thủng, còn dân thích vi vu thì gọi đây là “tuyệt tình cốc”. Nó nằm trong khu vực Thang Hen gồm 36 hồ nước lớn nhỏ và đầy hang sụt lún, tạo nên hệ thống dòng chảy nước ngầm liên thông nhau, là một hiện tượng hiếm gặp trên thế giới.
Mắt Thần núi thực chất là một hang thủng hình tròn đường kính hơn 50m, nằm ở độ cao khoảng 50m so với mặt hồ. Hang nằm ở độ cao như hiện nay là do vận động địa chất nâng trong giai đoạn Tân kiến tạo.
Hang phát triển trong địa hình đá vôi dạng tháp ở độ cao chung khoảng 650-700m, bao gồm các khối núi dạng tháp và dạng nón đan xen với hàng chục hồ nước lớn nhỏ, cùng tạo nên hệ thống hồ Thang Hen.
Nét độc đáo của hệ thống hồ Thăng Hen là các hồ liên thông với nhau và với các dòng chảy mặt hoặc dòng chảy ngầm. Vì thế mực nước các hồ có thể thay đổi theo mùa, đôi khi rất đột ngột. Đến tham quan Mắt Thần núi vào mùa mưa (tháng 6-8), sau khi đi hết con đường mòn, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy hồ nước rộng khoảng 15ha có tên là Nậm Trá.
Nhưng vào mùa khô (từ tháng 9 trở đi) cũng tại đây người dân địa phương lại có thể chăn thả gia súc trên đồng cỏ. Phía bên phải, cách hồ khoảng 500-600m, đi bộ mất 10 phút là thác nước Nậm Trá trên dòng suối cùng tên, cũng là một thác nước đẹp đáng để tham quan.
Ngoài “Mắt Thần núi” độc đáo, dọc con đường mòn chỉ khoảng 15 phút đi bộ, du khách có thể tận hưởng sự giao hòa gần gũi, bình yên đến tuyệt vời của người Tày xóm Bản Danh, với nhà sàn lợp ngói âm dương, hàng rào đá, cánh đồng lúa, ruộng ngô, đàn trâu, bò… cùng cảnh quan karst trưởng thành xanh tốt xung quanh, những trải nghiệm chắc chắn sẽ giúp du khách thư giãn sau những căng thẳng của cuộc sống thường ngày.
Những điều cần biết khi đến núi Mắt Thần
Núi Mắt Thần cách thành phố Cao Bằng khoảng 50km, nên khách sử dụng ôtô hoặc xe máy “phượt” đến đây đều thuận lợi. Nên sử dụng xe máy nếu đến đây vào mùa khô, bởi lúc ấy có thể phóng xe xuống tận thung lũng bao quanh núi Thủng.
Từ tháng 8 đến tháng 5 năm sau là mùa khô nên cả một vùng thung lũng rộng lớn chung quanh núi Thủng sẽ trở thành đồng cỏ xanh mướt, rất lý tưởng cho những cuộc thám du ngoài trời và tổ chức picnic. Từ tháng 6 đến tháng 8, nước từ thác Nậm Trá, hang ngầm đổ về, biến nơi đây thành hồ Nậm Trá mênh mông. Muốn thám hiểm hang núi Mắt Thần nên đi vào mùa khô và nhất thiết phải thuê người bản địa dẫn đường.
Khu dân cư gần núi Mắt Thần nhất là xóm Bản Danh của bà con dân tộc Tày. Có thể mua khoai, bắp, rau củ hoặc cá tươi của người dân và nhờ chế biến, giá cả tùy sự hào phóng của khách. Tốt nhất trước khi đến đây phải chuẩn bị lương thực, nước uống mua tại thành phố Cao Bằng.
Muốn cắm trại lưu trú qua đêm phải báo cho trưởng xóm Bản Danh và chính quyền địa phương và nhớ mang theo lều trại, túi ngủ và một số dụng cụ cắm trại khác khi tới đây nhé.
4. Thác Nặm Ngùa
Nhìn từ xa, dòng thác hiện ra như dải lụa trắng thoắt ẩn thoắt hiện tung bay giữa núi rừng làm đắm say lòng người
Với vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng, thác Nặm Ngùa, xã Ngọc Động (Thông Nông) là một tuyệt tác của thiên nhiên và là điểm khám phá du lịch đầy hấp dẫn cho những du khách yêu phong cảnh non nước hữu tình nơi địa đầu Tổ quốc.
“Nặm Ngùa cảnh đẹp, nước trong
Ai lên đến đó đều không muốn về!”
Đây là hai câu thơ miêu tả vẻ đẹp của thác Nặm Ngùa được du khách ca tụng. Nằm cách thị trấn Thông Nông 6km, thác nước Nặm Ngùa trải dài dưới chân núi hùng vĩ. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội thả hồn với thiên nhiên, tận hưởng bầu không khí trong lành và hòa mình vào cảnh sắc thơ mộng, yên bình và tắm dòng suối mát trong.
Đến nay, Nặm Ngùa vẫn là một trong những dòng thác hoang sơ, có ít người khám phá. Ngọn thác được tạo nên từ những mạch nước ngầm trong lòng núi Nặm Ngùa đổ từ núi xuống với độ cao trên 100 m. Sau khi đổ xuống, dòng nước tỏa ra nhiều nhánh khác nhau tạo thành dòng suối chảy quanh xóm Nặm Ngùa rồi chảy xuôi về thị trấn Thông Nông.
Nhìn từ xa, dòng thác hiện ra như dải lụa trắng thoắt ẩn thoắt hiện tung bay giữa núi rừng làm đắm say lòng người. Khi đến gần, vẻ đẹp của thác nước càng trở nên quyến rũ, thướt tha hơn khi những tia nắng vàng xuyên qua tán lá cây rừng chiếu thẳng vào dòng thác khiến cho thác nước càng lung linh, huyền ảo.
Theo người dân địa phương, ẩn sâu trong vách núi sừng sững là một hồ nước ngọt có trữ lượng lớn, cách đây khoảng 2 – 3 năm, có nhiều người nước ngoài mang theo thiết bị lặn đến khám phá 3 ngày mới đi hết mặt hồ trong lòng núi. Vào mùa mưa, nước trong lòng núi dâng cao, nước tuôn trào ra cửa hang tạo nên một dòng thác mang nước tưới cho cả một vùng thung lũng dưới chân núi và các vùng lân cận.
Cây cỏ xung quanh thác mềm mại, dịu dàng khi mùa xuân đến; tiếng ầm ào, quyến rũ khi tiết trời vào hạ; sự mê hoặc của những chiếc lá đủ sắc màu vào mùa thu và cả vẻ đẹp khi dòng thác ít nước vào mùa đông.
Mùa xuân đến, cây cối xanh tươi, cành non đâm chồi nảy lộc, giống như sự hồi sinh của dòng thác, cảnh vật bừng sáng đầy sức sống. Khi sang hè, dòng thác mang nét khỏe khoắn, mạnh mẽ tuôn chảy dưới ánh nắng và phá tan không gian cảnh vật lặng thinh, ngủ quên trong tiết trời của mùa đông lạnh giá.
Thu về, dòng thác nước trông như dải lụa trắng mềm mại vắt trên sườn núi. Đến mùa lá đỏ, dòng thác sẽ đẹp hơn bao giờ hết, sắc lá đỏ càng làm cho bức tranh phong cảnh hữu tình và nên thơ. Chính vì thế, khi tìm kiếm địa điểm du lịch dã ngoại tuyệt vời tại Cao Bằng, chắc chắn không ai có thể bỏ qua Thác Nặm Ngùa!
Đến với thác Nặm Ngùa, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội tắm mát bên dòng suối trong vắt; chỉ cần đắm mình dưới dòng suối, mọi mệt mỏi sẽ tan biến theo dòng nước. Sau khi tắm, du khách có thể lên bờ ngắm vẻ đẹp của dòng suối và ngồi quây quần bên những chiếc lán để nướng gà, vịt hoặc ăn cơm nắm.
Nếu du khách mải chơi quên đường về, đến tối có thể ngủ lại nhà du lịch cộng đồng Nặm Ngùa của người dân nơi đây để vừa hít thở không khí trong lành của núi rừng, vừa thưởng thức món tép Nặm Ngùa béo ngậy, thơm ngon được người dân bắt từ suối Nặm Ngùa về chế biến, du khách chỉ cần ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Hòa lẫn với vẻ đẹp của thác Nặm Ngùa là những ngôi nhà của người Tày ẩn hiện thấp thoáng trong làn khói lam chiều, xen lẫn với những thửa ruộng bậc thang xanh mướt tạo nên nét sinh hoạt độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của người dân địa phương. Nếu có dịp ghé thăm Thông Nông, du khách hãy đến chiêm ngưỡng, khám phá thác Nặm Ngùa để cảm nhận vẻ đẹp của núi rừng nơi đây nhé
5. Hồ Nà Lái
Cảnh vật ở hồ Nà Lái vẽ nên bức tranh hữu tình sẽ làm bất cứ ai ngẩn ngơ nếu có dịp ghé thăm
Hồ Nà Lái nằm trên địa phận xóm Bản Cải, xã Phi Hải. Cách trung tâm huyện Quảng Uyên 10 km và khoảng 3 km khi di chuyển từ trung tâm xã. Đây là hồ nước ngọt tự nhiên được cải tạo và xây dựng phục vụ cấp nước sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Với địa hình đồi núi quanh co, hồ Nà Lái có cấu trúc khá độc đáo.
Hồ trải dài hơn 7 km và được bao bọc bởi rừng cây ngút ngàn, những khóm lau vào mùa thu buông mình rủ quanh bờ hồ tạo nên nét đẹp dịu dàng, yên bình. Vào mùa lúa chín, những thửa ruộng bậc thang uốn mình quanh bờ hồ tạo nên một cảnh quan thiên nhiên hiếm có, vừa mộc mạc, giản dị lại hài hòa, thơ mộng.
Cảnh vật ở hồ Nà Lái vẽ nên bức tranh hữu tình sẽ làm bất cứ ai ngẩn ngơ nếu có dịp ghé thăm. Quang cảnh quanh hồ thay đổi theo mùa. Nếu có dịp ghé thăm hồ Nà Lái vào mùa hạ, bạn có thể ngắm nhìn bầu trời trong xanh, những tầng mây bồng bềnh lơ lửng, hồ nước hiền hòa gợn sóng lăn tăn, những hàng cây tràn đầy sức sống trên hòn đảo nhỏ giữa mặt hồ.
Bạn cũng có thể nhìn thấy những đàn cá tung tăng bơi lội hay những đàn chim sải cánh chao lượn trên bầu trời. Hồ nước như một mảnh gương khổng lồ, bất kể lúc nào cũng phản quang y nguyên cảnh vật xung quanh nó. Đây thực sự là điểm đến lí tưởng giúp bạn xua đi cái nóng oi ả, chói chang.
Cùng đắm mình trong không gian mát mẻ và tận hưởng trong khung cảnh thiên nhiên với gam màu xanh tươi mát. Nhưng hồ Nà Lái, đẹp nhất có lẽ là vào những ngày xuân, khi lộc non đâm chồi, muôn hoa đua nhau khoe sắc và đàn chim cứ hót líu lo. Vào khoảng thời gian này, cảnh quan quanh hồ sẽ được những bụi hoa dại của núi rừng điểm tô sắc màu rực rỡ và tỏa hương thơm ngát.
Du khách cũng có thể ngắm hồ Nà Lái trong khoảnh khắc sương mờ huyền ảo, đón những tia nắng lấp lánh đầu tiên chào ngày mới, thưởng thức vẻ đẹp man mác trong thời khắc hoàng hôn hay cảnh màn đêm buông xuống, trăng tỏa sáng và những vì sao nhấp nháy lung linh. Khi ấy, hồ Nà Lái lộ ra những vẻ đẹp diệu kỳ, đầy sức cuốn hút và mê hoặc lòng người, cứ như đưa du khách lạc lối đến nơi cổ tích.
Hồ Nà Lái được cải tạo gần đây nhất vào năm 2014. Hiện nay con đường dẫn đến hồ đã được trải bê tông, thuận tiện cho việc đi lại. Đoạn đê bao dài hơn 2 km quanh hồ cũng tạo nên sự vững chãi.
Du khách có thể tản bộ trên đoạn đường để chậm rãi ngắm cảnh sắc thiên nhiên, chụp vài tấm ảnh về làm kỉ niệm. Thật chẳng còn gì thú vị hơn khi vào một ngày cuối tuần cùng gia đình hoặc bạn bè đắm mình trong vẻ đẹp yên bình, thơ mộng của hồ Nà Lái. Xách balo, rủ thêm vài đứa bạn và cùng đắm chìm vào khung cảnh non nước hữu tình này ngay thôi nào!
Có thể nói, thiên nhiên đã vô cùng ưu ái khi ban tặng cho mảnh đất Cao Bằng muôn vàn thắng cảnh đẹp, hùng vĩ, trong đó có Núi mắt thần, Thác Nặm Ngùa, Hồ Nà Lái, Thác Tiên và “viên ngọc quý” hồ Bản Viết. Đây đều là những địa điểm du lịch dã ngoại tuyệt vời tại Cao Bằng, chắc chắn sẽ mang đến cho các bạn những kỉ niệm khó quên.
Với những điều tuyệt vời đang chờ đợi, còn chần chừ gì mà không lên đường bước vào cuộc hành trình, thả mình giữa mây trời, núi non?
Biên tập bởi: Aloha Nguyễn